Thuận Kiều Plaza – Từ đẳng cấp đến hoang phế

Vì sao từ một dự án đẳng cấp bậc nhất Sài Gòn mà Thuận Kiều Plaza lại trở nên hoang phế trong hơn 20 năm?

Vị trí “long mạch”

Thuận Kiều Plaza tọa lạc tại 190 Hồng Bàng, quận 5, Tp. Hồ Chí Minh. Đây được các nhà đầu tư xem là một trong những vị trí vàng phát triển thương mại dịch vụ nhờ đi qua trục đường “long mạch” của thành phố.

Thuận Kiều Plaza được đầu tư bởi Công ty TNHH MTV Xây dựng Thương mại Sài Gòn 5 liên doanh cùng với đơn vị Kings Harmony Int MTV của Hong Kong. Dự án Thuận Kiều được thiết kế trên quy mô 3 tòa tháp, mỗi tòa cao 33 tầng gồm: Mặt bằng văn phòng cho thuê, khu trung tâm thương mại, căn hộ chung cư và các tiện ích hiện đại như khu vui chơi giải trí, hồ bơi, tầng hầm để xe… Theo đó, công trình này được khởi công năm 1994 và hoàn thành trong năm 1998, tổng diện tích lên đến 10.000m2 với số vốn đầu tư “khủng” hơn 55 triệu USD.

Thời kì “hoàng kim”

Thuận Kiều Plaza có vị trí đắc địa, là cửa ngỏ kết nối nhiều tỉnh miền Tây. Nằm gần Chợ Lớn, là trung tâm mua sắm sầm uất của Sài Gòn.

Theo nhiều chuyên gia bất động sản, sau khi tòa nhà chính thức đi vào hoạt động, năm 1999 hoạt động môi giới căn hộ, cho thuê mặt bằng diễn ra nhộn nhịp.

Ông Hồ Xuân Lý, môi giới bất động sản tại quận 5, TP. HCM, cho biết 15 năm trước ông được nhiều người liên hệ đến xem nhà và mặt bằng kinh doanh tại Thuận Kiều Plaza: “Vài năm đầu, cơn sốt mặt bằng kinh doanh ở trung tâm thương mại này dẫn đến việc cò đất đổ về đây. Chỉ sau 2 năm hoạt động mặt bằng của khu thương mại này không còn chỗ trống. Mức giá 160.000 – 200.000 đồng/m2 cách đây 15 năm cũng thuộc loại đắt nhất thị trấn”, ông Lý nói.

Mức giá thời điểm đó là 1 – 3 tỷ đồng một căn hộ, được cho là quá cao với thu nhập của nhiều người.

Hoang tàn hơn 20 năm

  • Sai đối tượng

Thuận Kiều Plaza được xây dựng nhằm đón đầu lượng cư dân từ Hong Kong di cư vào TP. HCM. Chính vì vậy, những căn hộ này có thiết kế theo phong cách của người Hong Kong với không gian ngột ngạt, diện tích chật chội, trần nhà hạn chế… Trong khi đó, xu hướng về nhà ở của người Việt Nam lại hoàn toàn khác biệt người Hong Kong, thích không gian thoáng mát nên việc xây Thuận Kiều Plaza dù là để đón đầu người HongKong hay cho người Việt Nam thì đều coi như thất bại.

  • Chất lượng nhà ở kém

Theo lời kể của các dân cư đã sinh sống bên trong Thuận Kiều, hầu hết các căn hộ chung cư tại đây sau một thời gian sử dụng đã trở lên xuống cấp, không gian ẩm thấp, thiếu không khí dẫn tới các thành viên trong gia đình hay ốm đau, mắc các bệnh lặt vặt.

  • Lời đồn về “ma quỷ”

Thuận Kiều Plaza với những lời đồn “ma quỷ” làm cho mỗi khi ai nhắc đến không khỏi lạnh gáy. Hơn thế, các chủ hộ còn đua nhau rao bán căn hộ với mức giá cực rẻ. Đáng sợ hơn nữa khi hàng loạt tin đồn Thuận Kiều Plaza bị ếm bùa, quỷ ám và những câu chuyện về những “bóng ma” xuất hiện trong tòa tháp bỏ hoang này càng khiến nhiều người ghê rợn.

Bên cạnh đó, sự việc cháy lớn tại khu nhà hàng tầng 3 thuộc dự án này vào 2 năm 2004 và 2009 đã kéo theo hàng loạt hệ lụy và lo lắng, lượng khách hàng tới sống và sinh hoạt tại đây ngày càng ít đi. Từ đó, câu chuyện lời đồn về hồn ma ám trong đêm tại tòa nhà lại được truyền tai nhau và thổi phồng lên gấp bội. 

  • Kinh doanh “ế ẩm”

Anh A Tính, một tiểu thương từng kinh doanh tại Thuận Kiều Plaza cho biết: “Tôi thuê một gian hàng nhỏ ở đây từ năm 2005 từ một người chủ trước, mỗi tháng lỗ 4 triệu đồng. Trong khoảng 2 năm, tôi chuyển đi với rất nhiều người khác vì công việc kinh doanh ế ẩm. Ngoài ra, có tin đồn về ma quỷ khiến tôi bất an, nhưng không có khách khi tôi ở lại. Hiện tôi có cho thuê cửa hàng gần đó để tiếp tục kinh doanh.”

Theo nhiều tiểu thương, ban quản lý trung tâm thương mại không thực hiện các chính sách thu hút khách hàng. Ngay cả đề xuất hạ giá thuê mặt bằng cho tiểu thương khó khăn cũng không chấp nhận. Việc thiết kế, bố trí gian hàng không hợp lý, tối om, thiếu ánh sáng,… người kinh doanh chấp nhận xả hàng, bỏ trốn, tìm địa điểm kinh doanh khác.

Từ là một dự án được kỳ vọng nhất cho sự phát triển chung cư vào 20 năm trước. Giờ đây, Thuận Kiều Plaza đã hoang phế, là “ba cây nhang” khổng lồ giữa lòng thành phố nhộn nhịp.