6 điểm yếu mà môi giới cần khắc phục nếu muốn hoàn thành KPI
Nhiều môi giới BĐS rất đau đầu khi không hoàn thành đủ chỉ tiêu. Dưới đây là 6 điểm yếu mà môi giới cần khắc phục.
1/ Rụt rè, thiếu tự tin, không quyết liệt
Những câu phàn nàn, chán nản như: “Sản phẩm này rất khó bán”, “khách hàng quá khó tính”,… thường gặp từ không ít môi giới mới vào nghề. Vấn đề ở đây không phải do sản phẩm hay chủ đầu tư. Mà là do môi giới quá rụt rè, ngại ngùng và thiếu tự tin.
Bất động sản là tài sản có giá trị cao nên khách hàng phải có sự suy xét kỹ càng. Nên có nhiều câu nói như: “Cần cân nhắc kĩ hơn” là điều bình thường. Nhưng trong một số trường hợp khi khách hàng nói như vậy là họ đang từ chối khéo.
Để khắc phục điểm yếu này. Môi giới cần nhìn lại bản thân mình đã đủ quyết liệt, tận tâm khi lôi kéo khách hàng chưa. Và nếu chưa thực sự tự tin vào bản thân, hãy dành thời gian trao dồi thêm kiến thức, cho mình thêm cơ hội và đặc biệt là kiên trì với mục tiêu nghề nghiệp mà bạn đặt ra.
2/ Ngại đề cập đến vấn đề tiền bạc
Trong cuộc sống hàng ngày, vấn đề tiền bạc rất nhạy cảm. Sẽ bị xem là mất lịch sự và vô duyên nếu tọc mạch, bình luận về vấn đề tài chính của người khác. Nhưng trong môi giới bất động sản, nếu ngại đề cập đến vấn đề tiền bạc là một điểm yếu khiến môi giới khó hoàn thành KPI.
Môi giới phải luôn thôi thúc, thảo luận với khách hàng giá cả và tiền bạc. Bạn phải hiểu rằng, việc tìm hiểu về tiền bạc, ngân sách của khách hàng không nhằm mục đích soi mói. Nắm bắt thông tin tài chính của khách hàng sẽ giúp môi giới hiểu hơn về nhu cầu, mong muốn ở họ. Từ đó, đưa ra những gợi ý về sản phẩm tốt, phù hợp hơn với khách hàng.
3/ Khó kiềm chế cảm xúc
Môi giới là nghề “dâu trăm họ”. Trải qua biết bao nhiêu cảm xúc vui, buồn trong cuộc sống lẫn công việc. Tuy nhiên, nếu để cảm xúc đi quá xa và không thể kiểm soát chúng thì đây lại là một điểm yếu tai hại.
Chẳng hạn khi nhận được những lời tiêu cực từ khách hàng như: “anh/chị có hiểu ý tôi không vậy”, “mấy cái này làm ăn được gì”,… môi giới sẽ cảm thấy khó chịu dẫn đến cuộc trò chuyện hoặc đàm phán thất bại.
Với những nhà môi giới chuyên nghiệp, việc kiểm soát và điều tiết cảm xúc là một nghệ thuật. Thay vì để những cảm xúc tiêu cực của mình ảnh hưởng đến lời nói, thái độ thì môi giới chuyên nghiệp sẽ tạm gác lại cái tôi của mình, chịu nhịn và dùng sự lạc quan, kỹ năng nắm bắt tâm lý để dẫn dắt khách hàng.
4/ Quá thật thà
Thật thà là một đức tính tốt nhưng đối với nghề môi giới bất động sản, quá thật thà có thể bị “dắt mũi”.
Không phải khách hàng nào cũng tốt tính và trung thực, Do đó, khi làm môi giới cần dùng cái đầu lạnh để phân tích tình huống và biết cách nhìn nhận để hành động, tiếp cận khách hàng.
Nếu thấy khách hàng có dấu hiệu không trung thực, môi giới có thể áp dụng thái độ hoài nghi “lành mạnh” và sẵn sàng đặt những câu hỏi sâu sắc để phá vỡ bức tường của khách hàng và khám phá sự thật.
5/ Luôn lo sợ bị từ chối
Bị từ chối là điều bình thường trong nghề môi giới. Khi mới bước chân vào nghề, có thể nghe rất nhiều lời từ chối. Lâu dần, nghe nhiều sẽ dẫn đến chán nản, nhục chí. Từ đó, hình thành nỗi sợ bị từ chối trong lòng môi giới.
Để là nhà môi giới thành công, trước khi học cách giải quyết sự từ chối của khách hàng, bạn cần kiểm soát nỗi sợ bị từ chối của chính bản thân mình. Tiếp theo, cách để vượt qua sự phản đối là tích cực lắng nghe, tránh phản ứng bốc đồng với khách hàng, lắng nghe họ, xác nhận mối quan tâm của họ, đặt các câu hỏi đủ điều kiện và trả lời một cách chu đáo.
6/ Dễ bị choáng ngợp, quá tải
Hầu hết môi giới vào nghề đều cảm thấy quá tải công việc. Làm sao để thoát khỏi?
Giải pháp hữu hiệu nhất dành cho các nhà môi giới thường có cảm giác bị quá tải là ưu tiên những việc quan trọng vào đầu tháng, đều này giúp bạn ít bị choáng ngợp hơn trong cuối tháng. Bên cạnh đó, hãy tập trung thời gian và năng lượng vào những việc lớn đang chờ được xử lý, sắp xếp và nhóm lại những công việc lặt vặt chiếm thời gian của bạn, cái nào cần xử lý trước và sau cho phù hợp nhất.
Trên đây là 6 điểm yếu mà môi giới cần khắc phục nếu muốn nhanh chóng hoàn thành KPI. Chúc bạn thành công!